(Bqp.vn) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam thế kỷ XX đã khẳng định, sự kiện cách mạng trong những ngày tháng Tám 1945 không phải là sự bộc phát, nhất thời mà đó là cả một quá trình 15 năm chuẩn bị và tiến hành cách mạng xã hội một cách công phu, ý Đảng và lòng dân là một.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. (ảnh: tư liệu)
Ngày 3/2/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập để lãnh đạo, tổ chức nhân dân Việt Nam làm cách mạng. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đồng thời, xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh và tổ chức quân đội công nông; tịch thu toàn bộ các sản nghiệp lớn của bọn đế quốc giao cho chính phủ công nông binh, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, miễn thuế cho dân cày nghèo; thực hiện nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo hướng công nông hoá. Để có lực lượng cách mạng, Đảng cần vận động, tập hợp và tổ chức đại bộ phận giai cấp công nhân, nông dân đi theo mình, dựa vào dân cày nghèo tiến hành cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông… đi vào phe vô sản giai cấp; tranh thủ các phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam chưa rõ mặt phản cách mạng và thẳng tay đánh đổ bộ phận đã ra mặt phản cách mạng. Thực hiện đúng “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp” [1].
Bằng đường lối đúng đắn và sự chỉ đạo, tổ chức sáng tạo, nhân dân đã tin Đảng, cùng Đảng đứng lên chống đế quốc và tay sai, làm dấy lên làn sóng đấu tranh dân tộc, dân chủ mạnh mẽ khắp cả nước mà điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng, nhà máy sợi Nam Định, nhà máy diêm Bến Thuỷ - Vinh. Đó là những “phát pháo hiệu” báo hiệu cao trào cách mạng ở Việt Nam đã nổ ra, đồng thời chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam xứng đáng là đội ngũ tiên phong của cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh của quần chúng phát triển thành cao trào rộng lớn trong phạm vi cả nước, hầu hết giành được thắng lợi, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Mặc dù sau đó bị địch đàn áp, nhưng cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học bổ ích. Từ đây, đội quân chính trị quần chúng hùng hậu đã hình thành.
Những năm sau đó, cùng với việc phục hồi hệ thống tổ chức của Đảng, các tổ chức quần chúng cũng dần được khôi phục và phát triển. Bên cạnh các tổ chức bí mật (Công hội, Nông hội, Hội Thanh niên, Phụ nữ…), Đảng còn xây dựng các tổ chức công khai (Hội cấy, hội cày, hội gặt, hội đá bóng, hội đọc sách…) nhằm tập hợp, giáo dục và hướng dẫn quần chúng đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp. Nhờ đó, phong trào đấu tranh đã thu hút được đông đảo quần chúng khắp đất nước tham gia, lan rộng ra cả miền núi Việt Nam và sang Lào, Cam-pu-chia. Các cán bộ của Đảng còn dùng báo chí hợp pháp để phê phán sự sai trái trong các quan điểm chính trị, triết học, văn học nghệ thuật tư sản, vạch trần tư tưởng nô lệ của một số bồi bút thực dân, tuyên truyền quan điểm của Đảng.
Sau Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, Trung Quốc (3/1935), ảnh hưởng và lực lượng của Đảng được củng cố, phát triển, nhất là trong các xí nghiệp, nhà máy, đồn điền, hầm mỏ... Các cuộc vận động quần chúng được đẩy mạnh trong các tầng lớp nhân dân, kể cả trong phụ nữ các dân tộc ít người và trong binh lính địch. Những năm vận động dân chủ (1936 - 1939), Đảng đã xây dựng được một đạo quân chính trị to lớn với hàng triệu quần chúng trong cả nước. Đảng trưởng thành trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức cách mạng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và quần chúng cách mạng được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng đã trưởng thành, lớn mạnh. Đó là nền tảng và là bước chuẩn bị cần thiết cho bước đi tiếp theo.
Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu. Dưới tác động của Chiến tranh thế giới lần thứ hai và tình hình trong nước đã đặt ra cho Đảng ta yêu cầu phải kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Theo đó, phải tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đặt nhiệm vụ đánh đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương; chuyển hướng tổ chức, xây dựng các đoàn thể quần chúng bí mật; duy trì lực lượng vũ trang, thành lập những đội du kích tiến tới lập căn cứ địa; từng bước tiến hành xây dựng lực lượng về mọi mặt để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Cùng với việc mở rộng, củng cố và tăng cường hoạt động của các đoàn thể cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, Đảng tiến hành xây dựng Mặt trận Việt Minh các cấp trong cả nước. Cuối tháng 10/1941, Việt Nam độc lập đồng minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Từ cuối năm 1941 đến năm 1942, các hội cứu quốc lần lượt được xây dựng ở nhiều địa phương; lực lượng chính trị quần chúng ngày càng đông đảo và được tôi rèn trong đấu tranh chống Pháp - Nhật. Tháng 2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên trước đây và nay thuộc Hà Nội) để chủ trương mở rộng Mặt trận Việt Minh, vạch kế hoạch cụ thể chuẩn bị khởi nghĩa, đặc biệt nhấn mạnh phải coi trọng công tác công vận và xây dựng lực lượng cách mạng ở thành thị, công tác vận động nhân dân tham gia khởi nghĩa. Đảng chú trọng xây dựng các khu an toàn và căn cứ địa, lập các đội tự vệ vũ trang. Các trung đội cứu quốc quân được hình thành từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã bám sát quần chúng, kiên trì cuộc chiến đấu chống địch khủng bố, giữ gìn lực lượng, cổ vũ phong trào quần chúng trong cả nước.
Từ 1943 - 1944, phong trào cách mạng ở miền Bắc và miền Trung có bước phát triển mới và phong trào cách mạng ở miền Nam được phục hồi. Tổ chức Việt Minh được mở rộng ở thành thị và nông thôn. Công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang diễn ra sôi nổi trong các khu căn cứ, nhất là ở Cao - Bắc - Lạng. Trên mặt trận văn hoá và tư tưởng, Đảng thu được nhiều thành tựu; sách báo của Đảng, của Mặt trận Việt Minh được xuất bản nhiều; năm 1943, Đảng ban hành “Đề cương văn hoá Việt Nam”; Hội văn hoá cứu quốc ra đời trở thành thành viên của Mặt trận Việt Minh. Tháng 6/1944, Đảng Dân chủ Việt Nam thành lập, tập hợp lực lượng trí thức yêu nước và các nhà tư sản tiến bộ để tham gia Mặt trận Việt Minh. Đặc biệt, Đảng ra sức chăm lo xây dựng Đảng, làm cho hàng ngũ của Đảng được thống nhất, vững mạnh. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ được tiến hành gấp rút. Đảng tổ chức cho cán bộ, đảng viên trong tù vượt ngục và tăng cường phát triển đảng viên...
Đầu tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”. Cuối năm 1944, phong trào cách mạng sôi sục ở nhiều địa phương. Tại các căn cứ địa cách mạng, quần chúng đã sẵn sàng nổi dậy. Tháng 10/1944, Hồ Chí Minh về nước và kịp thời hoãn chủ trương của Liên tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh vì điều kiện chưa chín muồi. Người chủ trương thành lập đội quân chủ lực và ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên được chính thức thành lập tại Cao Bằng.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp. Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền xuất hiện. Ngay trong đêm, Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp (tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945). Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, cao trào kháng Nhật, cứu nước phát triển, phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần diễn ra sôi nổi. Các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh phát triển đa dạng và các hoạt động tuyên truyền xung phong, biểu tình tuần hành, bãi công chính trị, biểu tình phá kho thóc của Nhật được đẩy mạnh. Các đội tự vệ cứu quốc được tổ chức. Đảng thành lập các căn cứ địa mới, thống nhất các chiến khu và thành lập Việt Nam giải phóng quân; thành lập uỷ ban nhân dân cách mạng ở những vùng có du kích hoạt động, sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa khi đủ điều kiện…
Từ ngày 13 đến ngày 15/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào khẳng định cơ hội tốt để giành độc lập dân tộc đã tới và quyết định lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương. Hội nghị cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh phụ trách; đề ra đường lối đối nội, đối ngoại trong tình hình mới và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương. Đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Sau đó ba ngày (16/8/1945), cũng tại Tân Trào, Đại hội quốc dân họp ủng hộ hoàn toàn chủ trương phát động tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ cách mạng lâm thời), do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” [2].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền. Từ ngày 14/8, các đơn vị giải phóng quân liên tiếp hạ nhiều đồn Nhật ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Ngày 18/8, nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Khánh Hoà giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Ngày 19/8, Hà Nội khởi nghĩa thành công đã có ý nghĩa quyết định đối với cả nước, làm cho chính quyền tay sai Nhật ở các nơi bị tê liệt. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25/8, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn. Ngày 28/8, khởi nghĩa thành công ở Quảng Ngãi và các tỉnh còn lại của Nam Bộ. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với đồng bào ta, với nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà độc lập, tự do và khẳng định quyết tâm sắt đá “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [3].
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất và là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Cách mạng tháng Tám đã đập tan ách phát xít trong 5 năm, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ, lật đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ, Đảng ta từ một Đảng hoạt động không hợp pháp trở thành đảng cầm quyền.
70 năm qua, Cách mạng tháng Tám đã trở thành giá trị vật chất và tinh thần to lớn, là nguồn cảm hứng và động lực mạnh mẽ để cả dân tộc ta đoàn kết làm nên thắng lợi huy hoàng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với việc ghi tạc niềm tin vào giá trị vĩnh hằng của Cách mạng tháng Tám vĩ đại, chúng ta cần phải phát huy các thành tựu, dựa chắc vào dân, đưa các giá trị Cách mạng tháng Tám vào đời sống. Đó cũng là tinh thần Cách mạng tháng Tám mà các lớp cha anh dựng xây nên và chúng ta là người kế tục.
[1] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998 tr.4.
[2] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.554.
[3] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.557.