(Bqp.vn) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) là một những người đã từng cầm cờ Việt Minh, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Phúc Ngôn bên tập sách “Những trận đánh tiểu biểu của Bộ đội Đặc công 11 Đà Nẵng”.
Cựu chiến binh Hồ Phúc Ngôn hiện sống tại số K17/4 đường Trần Quý Cáp (Hải Châu, Đà Nẵng). Tuổi đã 86, nhưng ông còn rất minh mẫn, mặc dù đã qua một lần bị tai biến nhẹ. Từng tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khí thế sục sôi của những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông.
Hồ Phúc Ngôn (tên thật là Trần Văn Lượng, ở thôn Hồng Phước, phường Hòa Khánh Bắc, thành phố Đà Nẵng ngày nay), năm 15 tuổi, ông sớm giác ngộ cách mạng và xin vào lực lượng Thanh niên cứu quốc của Đa Hòa (thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang). Qua mỗi lần “hóng chuyện” các bác, các chú, ông biết có một việc gì đó rất lớn, hệ trọng sắp diễn ra, mà cần phải có nhiều người, một lực lượng hùng hậu để thực hiện. Mùa thu năm ấy, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa sục sôi khắp các vùng quê, đội thanh niên, thiếu niên cứu quốc của ông được bí mật giao nhiệm vụ tập luyện quân sự, chuẩn vũ khí... tại một khu rừng bí mật dưới chân núi Hải Vân.
Chấp hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương “Nhật - Pháp bắn nhau là hành động của chúng ta”, chiều ngày 15/8/1945, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam phát lệnh khởi nghĩa. Mặc dù một số nơi quân Nhật đầu hàng phe đồng minh, nhưng địa bàn các tổng Khánh Sơn, Đa Phước, Nam Ô (Hòa Vang) chúng còn đóng quân, vì vậy việc đi lại truyền mệnh lệnh của cán bộ Việt Minh trong vùng vô cùng khó khăn. Song với quyết tâm giành chiến thắng, từ cán bộ đến thanh thiếu niên cứu quốc đã không quản ngại hiểm nguy đến từng nhà, bí mật thông báo tình hình, Hồ Phúc Ngôn cũng được giao nhiệm vụ này.
Sáng ngày 18/8, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở quê ông đã nổ ra, lực lượng tự vệ, Thanh thiếu niên cứu quốc với vũ khí là gậy, tầm vông, giáo, mác, mã tấu, dao, rựa... hòa vào đoàn người tham gia khởi nghĩa. Cậu thiếu niên Hồ Phúc Ngôn là một trong những người đi đầu, tay cầm cờ Việt Minh. Đoàn người vừa đi vừa hô vang quyết tâm “Thề đem xương máu, quyết hy sinh để giành độc lập. Đánh Pháp, đuổi Nhật, cướp chính quyền về tay nhân dân”... Sau khi giành chính quyền thành công tại các tổng của Hòa Vang, ông cùng đoàn người hăm hở từ tổng Đa Hòa xuống sân vận động Chi Lăng (thành phố Đà Nẵng) để dự mít tinh ra mắt chính quyền cách mạng. “Tôi còn nhớ, lúc bắt đầu đi, đoàn người có khoảng 600 người. Lực lượng khởi nghĩa lần lượt đi qua các địa phương Trung Nghĩa, Hòa Mỹ, Phú Lộc, Khánh Sơn, Đa Phước, Xuân Thiều, Nam Ô, Vân Dương... khi đến Quan Nam thì đã có đến trên 3 nghìn người. Trên đường kéo xuống thành phố Đà Nẵng, chúng tôi không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía quân Nhật đang ở đây chờ xuống tàu về nước. Khi đến nơi, không ai bảo ai, hàng người tự giác đi vào hàng ngũ chỉnh tề”, ông bồi hồi kể lại.
Khởi nghĩa thắng lợi, niềm vui chưa được bao thì thực dân Pháp trở lại xâm lược. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Ông tiếp tục tham gia vào đội du kích và tự vệ chiến đấu của thôn. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là cảnh giới, bám địch, khiêng thương binh, tải đạn phục vụ Tiểu đoàn 19 (thuộc Trung đoàn 96 Đà Nẵng trước đây) trên chiến trường Tây Bắc huyện Hòa Vang. Trước sự gây hấn của thực dân Pháp tại Nam bộ, nhân dân huyện Hòa Vang lại xuống đường biểu tình phản đối xâm lược. Ông kể: “Tôi còn nhớ một lần tham gia cùng đoàn biểu tình gần 3 nghìn người dân Hòa Vang, trên đường đi, một cán bộ tay cầm loa hô vang khẩu hiệu “Trước giặc nước nên hòa hay nên chiến?” Lập tức đoàn người đồng thanh đáp lại “Quyết chiến! Quyết chiến! Quyết chiến!”.
Khí thế sục sôi của những ngày đầu cách mạng hun đúc niềm tin tất thắng để ông vững bước trên con đường binh nghiệp. Đặc biệt với cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 487 và 489 (Đà Nẵng), ông chỉ huy hàng trăm trận đánh, tập kích lớn nhỏ khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Những trận đánh đã đi vào lịch sử như: trận đánh căn cứ pháo binh Thanh Vinh, trận đèo Ông Gấm, ấp chiến lược Kim Liên (Hòa Hiệp, Liên Chiểu), đặc biệt với trận Khe Răm (cuối tháng 5 năm 1967) bằng trí thông minh và gan dạ, ông chỉ huy 4 đồng chí tiêu diệt gọn 1 tiểu đội Mỹ... Chính nhờ thành tích này mà năm 2012, ông được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những ngày về với đời thường, ông tích cực tham gia công tác ở địa phương, gần 18 năm được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ trưởng Mặt trận Tổ quốc, Khối trưởng an ninh khu vực, Hội người cao tuổi; tham gia giao lưu, nói chuyện truyền thống với các trường học, đơn vị quân đội nhân các ngày lễ lớn; viết lịch sử cho một số quận, xã, phường của thành phố Đà Nẵng…
Nhấp ngụm trà, lần giở từng trang Hồi ký, khí thế hào hùng của ngày tháng lịch sử vẫn vẹn nguyên trong ký ức người anh hùng. Cuốn Hồi ký “Chuyện người con Hồng Phước” của ông được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2012 để tri ân nhân dân Hồng Phước đã che chở cho ông và đồng đội trong kháng chiến.